Ads Here

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Xử lý chất thải rắn hiện đang là vấn đề bức xúc đối với các địa phương trong cả nước. Hiện nay, hầu hết các địa phương đều sử dụng biện pháp chôn lấp chất thải với số lượng trung bình là mỗi đô thị một bãi chôn lấp. Trong số này có tới 85 - 90% là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Đã có 52 bãi rác bị xếp vào số các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần được xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/4/2003.

     Việc chôn lấp rác tuy giá thành rẻ nhưng đòi hỏi phải tốn nhiều diện tích đất trong lúc quỹ đất hiện tại rất hạn chế. Thêm nữa, khi chôn lấp không có khả năng thu hồi, tái chế, sử dụng lại nguồn nguyên liệu từ rác thải và còn phải xử lý nước rác đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.Công nghệ xử lý chất thải rắn, tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu chôn lấp, bảo đảm vệ sinh môi trường đã được Bộ Xây dựng cho thí điểm là ANSINH-ASC và SERAPHIN tại Sơn Tây (Hà Tây) và TP Huế (TT-Huế). Công nghệ này đặc biệt phù hợp với điều kiện xử lý rác tươi chưa được phân loại từ nguồn như hiện nay.

     Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã thành lập Hội đồng khoa học kỹ thuật đánh giá các công nghệ xử lý rác thải ANSINH-ASC và SERAPHIN, với thành phần hội đồng là đại diện các bộ liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực chất thải rắn. Hội đồng đã tiến hành khảo sát tại thực địa và tổ chức hội thảo đánh giá công nghệ. Hầu hết các thành viên đều đánh giá cao các công nghệ xử lý rác được đầu tư phù hợp với điều kiện trong nước, hơn nữa giá thành lại thấp hơn công nghệ nước ngoài được đầu tư từ nguồn vốn ODA đang áp dụng tại Việt Nam. Song song với hoạt động này, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng Chương trình đầu tư các nhà máy xử lý rác thải áp dụng các công nghệ đã được công nhận cho các đô thị trong cả nước.

    Hiện cả nước có 700 đô thị (từ loại V trở lên) đều có nhu cầu xử lý chất thải rắn theo công nghệ hạn chế chôn lấp. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên Chính phủ dự kiến sẽ xây dựng tại mỗi địa phương một dự án với công suất phù hợp. Như vậy sẽ có 44 nhà máy sẽ phải tiếp tục xây dựng, trong đó giai đoạn 2008 - 2009 (trừ các dự án đã được đầu tư bằng nguồn vốn ODA) sẽ triển khai 12 nhà máy, 2009 - 2010 là 19 nhà máy và 2010 - 2011 là 13 nhà máy.

    Xây dựng các nhà máy theo công nghệ ANSINH-ASC và SERAPHIN sẽ cho ra các sản phẩm từ rác là phân hữu cơ, nguyên liệu hạt nhựa, lò đốt chất hữa cơ khó phân huỷ và gạch, đá, sà bần… Riêng chất thải rắn nguy hại sẽ được thu gom đưa đến nơi xử lý tập trung để bảo đảm tiêu chuẩn môi trường.

     Ưu thế về sản phẩm phân hữu cơ trước hết sẽ được tiêu thụ ngay tại địa bàn có nhà máy, ngoài việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, phân hữu cơ còn góp phần cải thiện độ tơi xốp, màu mỡ của đất. Sản phẩm hạt nhựa nguyên liệu sẽ phục vụ làm nhựa tái chế, phục vụ cho ngành Xây dựng (ống cống, xô chậu xây dựng, ván ép, tấm pallet, cốp pha…) hoặc ngành Nông nghiệp (cọc thanh long, cọc tiêu…).Mới đây, Bộ Xây dựng đã có tờ trình với Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình đầu tư các nhà máy xử lý rác áp dụng các công nghệ trong nước đã được cấp giấy chứng nhận cho các địa phương trong cả nước”.

    Với ý nghĩa to lớn về kinh tế - xã hội, phát huy nội lực, huy động các tổ chức cá nhân tham gia giải quyết bức xúc về chất thải rắn để góp phần bảo đảm phát triển bền vững trong thời kỳ CNH, HĐH. Chương trình đi vào triển khai sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các địa phương trong cả nước./